Thực hiện tốt phong trào “ Đi tìm địa chỉ đỏ “ Liên đội phối hợp với chi đoàn tham quan Đình - Lăng cù lao: tọa lạc trên đường Tháp Bà, thuộc Tổ dân phố Hải Phước, phường Vĩnh Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh HòTheo các cụ hào lão kể lại: trước kia làng có tên là Cù Huân, nằm dọc hai bên bờ sông Cái – Nha Trang. Làng ngày một mở rộng và đông dân cư nên chia Cù Huân thành hai làng là Xương Huân bên kia sông và Cù Huân bên này sông. Sau này, làng Cù Huân lại được đổi thành làng Cù Lao xóm Bóng. Trước năm 1975, Cù Lao là một trong ba thôn của xã Vĩnh Phước, huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa; năm 1976, thuộc phường Vĩnh Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Đình – lăng Cù Lao thờ Thành Hoàng làng, Ông Nam Hải, Tiền hiền, Hậu hiền, Anh hùng liệt sỹ và Ngũ hành thần nữ.
Đình Cù Lao được xây dựng cách đây hơn 200 năm tại khu Ba Rừng (nay thuộc phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang). Đình do ông Lương Văn Tình (là hậu duệ của trạng nguyên Lương Thế Vinh) cùng nhân dân địa phương xây dựng. Sau đó, ngôi đình bị cháy. Và năm 1822 đình được xây dựng lại tại vị trí hiện nay.
Đình – lăng Cù Lao quay hướng Nam, được xây dựng trong khuôn viên rộng 1.222,8 m2 . Đình đã được tu bổ, tôn tạo vào năm 2002, kiến trúc vẫn giữ lại những nét truyền thống của mái đình truyền thống ở Khánh Hòa: đình có cổ lầu, kết cấu bộ khung gỗ, có vì kèo, một số đầu dư, cột đình được chạm trổ hoa văn tứ linh “Long, Lân, Quy, Phượng”…
Từ ngoài nhìn vào di tích có các hạng mục công trình chính: Nghi môn; Án phong; Đại Đình; miếu Tiền hiền; chùa Oai Linh; Lăng Nam Hải; miếu Ngũ hành.
Ngày nay, đình – lăng Cù Lao còn gìn giữ được các hoành phi, câu đối, lư hương và 03 sắc phong do các đời vua Duy Tân, Khải Định triều Nguyễn ban, bao gồm:
- Duy Tân năm thứ năm (1911) phong cho Bản cảnh Thành hoàng.
- Khải Định năm thứ hai (1917) phong cho Đông Nam sát hải nhị đại tướng quân.
- Khải Định năm thứ chín (1924) phong cho Bản cảnh Thành hoàng.
Theo truyền thống hàng năm, cứ hai năm dân làng Cù Lao lại tổ chức mở hội một lần và luân phiên tại đình và lăng. Thời gian mở hội kéo dài trong bốn ngày từ 15 đến 18 tháng 6 hoặc tháng 8 âm lịch. Nếu năm nào tổ chức ở lăng Nam Hải thì lễ hội diễn ra vào tháng 6 âm lịch, còn lễ hội tổ chức ở đình thì diễn ra vào tháng 8 âm lịch.
Một số nghi lễ diễn ra trong lễ hội: Rước sắc, nghinh Ông, tế Thần, tế Tiền hiền và anh hùng liệt sỹ, Khai diên - Thứ lễ - Tôn vương, hồi sắc.
Ngoài ra, hàng năm đình – lăng tổ chức Lễ cúng giỗ các ngày:
- Ngày 01/01 âm lịch: khai lễ đầu năm
- Ngày 15/01 âm lịch: Tụng kinh cầu Quốc thái dân an
- Tháng 03 âm lịch: cúng Thanh minh
- Ngày 09/10 âm lịch: cúng giỗ Tiền hiền
- Ngày 24/12 âm lịch: cúng Giáp ấm.
Đến nay, Đình – Lăng được trùng tu ít nhất sáu lần:
- Lần thứ nhất: năm 1924. Đình được xây bằng đá vôi, tường xây bằng đất sét pha cát và nhựa cây bời lời. Mái lợp ngói âm dương.
- Lần thứ hai: không rõ năm nào. Tường xây bằng gạch, nền tráng xi măng. Các cột, vì kèo… làm bằng gỗ.
- Lần thứ ba: năm 1998 xây nghi môn và tường bao. Do mở rộng đường Tháp Bà nên đất đình – lăng bị cắt một phần và phải lùi nghi môn và tường bao phía trước vào.
- Lần thứ tư: tháng 5 năm 2002 (tức tháng Tư năm Nhâm Ngọ) tu bổ, tôn tạo đình.
- Lần thứ năm: năm 2006, tu bổ, tôn tạo Miếu Tiền hiền và Chùa Oai Linh.
- Lần thứ sáu: năm 2011, tu bổ, tôn tạo lăng Ông Nam Hải.
Ngày 10/10/2008, UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng di tích đình – lăng Cù Lao là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, tại quyết định 2510/QĐ-UBND.